MỘT SỐ DẠNG BẤT THƯỜNG CỦA DÂY RỐN

MỘT SỐ DẠNG BẤT THƯỜNG CỦA DÂY RỐN

MỘT SỐ DẠNG BẤT THƯỜNG CỦA DÂY RỐN

Ngày đăng: 02:44 PM, 30/05/2021
MỘT SỐ DẠNG BẤT THƯỜNG CỦA DÂY RỐN

MỘT SỐ DẠNG BẤT THƯỜNG CỦA DÂY RỐN

Dây rốn là cơ quan giữ chức năng như một con đường vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng từ mẹ vào thai cũng như đưa các chất độc hại từ thai ra ngoài.

Những bất thường liên quan đến dây rốn làm cản trở sự vận chuyển các chất từ mẹ sang con và ngược lại. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong quá trình mang thai như: suy dinh dưỡng bào thai (thai chậm tăng trưởng trong tử cung), thai chết lưu trong tử cung,...

Phát hiện sớm bất thường dây rốn giúp theo dõi thai kỳ chặt chẽ và an toàn hơn.

Về vị trí bám của dây rốn lên bánh nhau:

Một số biến thể của vị trí cắm của dây rốn vào bánh nhau:

  1. Dây rốn bám trung tâm bánh nhau: (chiếm khoảng 90%) bình thường
  2. Dây rốn bám lệch tâm bánh nhau: khoảng cách từ vị trí bám dây rốn lên bánh nhau cách bờ bánh nhau > 2cm
  3. Dây rốn bám rìa bánh nhau: (chiếm khoảng 7%) khoảng cách từ vị trí bám dây rốn lên bánh nhau cách bờ bánh nhau < 2cm
  4. Dây rốn bám màng bánh nhau: (chiếm khoảng 1%) dây rốn cắm lên màng nhau

 

DÂY RỐN BÁM MÀNG: xác suất tương đối hiếm gặp, khoảng 1% ở thai kỳ đơn thai và 9 - 15% ở thai kỳ song thai, hay gặp ở trường hợp nhau tiền đạo hơn so với nhau bám vị trí cao hơn. Tỷ lệ có thể cao hơn ở các trường hợp thai chết lưu, đặc biệt là các trường hợp đa thai. Dây rốn bám trực tiếp vào màng ối nên mạch máu thai nhi từ dây rốn phải đi qua màng ối, màng đệm trức khi đến được bánh nhau. Vì mạch máu thai nhi lúc này không còn được bảo vệ bởi lớp thạch Wharton nên dễ bị chèn ép, vỡ khi có một tác động nào đó đủ gây nên tình trạng này.

  • Có thể chẩn đoán sớm vào tam cá nguyệt 1
  • Thường chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc sau khi mổ lấy thai vì tim thai suy trong quá trình chuyển dạ (do mạch máu thai nhi bị vỡ, chèn ép dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng bào thai)
  • Biến chứng của dây rốn bám màng: mạch máu tiền đạo (MMTĐ –vasa previa) loại I; thai chậm tăng trưởng trong tử cung; rối loạn tăng trưởng (growth discordance) bào thai, hội chứng truyền máu cho nhận (twin-twin transfusion syndrome –TTTS) trong song thai
  • Sản phụ cần theo dõi sát cử động thai
  • Bác sĩ siêu âm sẽ khảo sát kỹ hơn có tình trạng mạch máu tiền đạo (MMTĐ – vasa previa) hay không
  • Nếu không có MMTĐ, thai nhỏ, thai chậm tăng trưởng, thiểu ối,...hoặc khi chuyển dạ sẽ được theo dõi thai kỳ và mổ lấy thai chủ động lúc 39 tuần. Nếu thai không có khả năng nuôi sống (dưới 28 tuần) và có chỉ định chấm dứt thai kỳ sẽ được theo dõi sanh ngã âm đạo.

 

DÂY RỐN BÁM RÌA: vị trí bám của dây rốn cách rìa bánh nhau < 2cm, một số tác giả đề cập khoảng cách rìa bánh nhau < 1cm hoặc < 3cm. Dây rốn bám rìa còn được gọi là kiểu hình cây vợt (battledore insertion), gặp trong 7% thai kỳ đơn thai và khoảng 25% thai kỳ song thai.

  • Có thể kết hợp với song thai một bánh nhau, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non
  • Cũng như trường hợp dây rốn bám màng, dây rốn bám rìa cũng được phát hiện tình cờ qua siêu âm, sau sanh thường, sau mổ lấy thai và nếu không có MMTĐ, thai nhỏ, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thiểu ối,...sẽ được tư vấn chấm dứt thai kỳ lúc 39 - 40 tuần
  • Chỉ định sanh thường hay mổ lấy thai chủ động tùy thuộc vào vị trí bám cực trên hay cực dưới bánh nhau và vị trí bám của bánh nhau trong tử cung
  • Sản phụ cần theo dõi sát cử động thai.

 

 

Về bất thường cấu trúc dây rốn:

DÂY RỐN MỘT ĐỘNG MẠCH (single umbilical artery –SUA): sinh lý bình thường của dây rốn gồm: một tĩnh mạch và hai động mạch. Trường hợp dây rốn một động mạch là sự thiếu hụt động mạch bên phải hay bên trái của dây rốn. Tuy nhiên sự thiếu hụt động mạch rốn trái nhiều hơn phải (chiếm khoảng 70%) được ghi nhận dù không rõ lý do.

  • Ước tính chiếm khoảng 0.4 - 1% các thai kỳ và hay gặp trong các thai kỳ song thai, đái tháo đường thai kỳ.
  • Chỉ phát hiện qua siêu âm thai
  • Nếu siêu âm phát hiện bất thường này, sản phụ sẽ được tư vấn khám chuyên sâu để phát hiện bất thường kèm theo, có thể là: 
    • Bất thường số lượng nhiễm sắc thể: trisomy 21 (chiếm 12.8% SUA), trisomy 18 (chiếm 50% SUA), trisomy 13 (chiếm 25% SUA)
    • Tồn tại tĩnh mạch rốn dai dẳng
    • Bất thường thận bẩm sinh: thận đơn độc (một thận duy nhất)
    • Hội chứng người cá
    • Dây rốn bám màng
  • Nếu thai kỳ chỉ phát hiện bất thường dây rốn một động mạch mà không kèm các bất thường khác thì thường không có ý nghĩa lâm sàng nhưng làm tăng tỷ lệ thai chậm tăng trưởng trong tử cung (15%)
  • Chỉ định sanh thường hay mổ lấy thai không bị ảnh hưởng bởi bất thường này

 

 

Về sự cản trở lưu thông mạch máu dây rốn:

DÂY RỐN QUẤN CỔ (Nuchal cord)

 

Thường gặp ở những thai có dây rốn quá dài.

  • Nguyên nhân : Do bé di chuyển nhiều trong lòng tử cung và bị quấn vào dây rốn
  • Thường thì bị quấn cổ 1 vòng , tuy nhiên có trường hợp quấn 5 - 7 vòng. Nếu dây rốn quấn ít thì vẫn có cơ hội được tháo ra, tuy nhiên quấn càng nhiều vòng thì nguy hiểm cho thai nhiều và càng ít cơ hội được tháo.

Những tháng đầu thai kỳ, thai còn nhỏ có thể di chuyển dễ, nên khả năng dây rốn quấn cổ tháo ra được cao hơn là những tháng cuối thai kỳ vì thai đã lớn khó xoay trở .Tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho thai khi dây rốn quấn chặt và quấn nhiều vòng , nhất là khi có cơn gò, dây rốn bị căng, gây thiếu dinh dưỡng và oxy cho thai, có thể gây đột tử thai

  • Làm thế nào để phát hiện? Chỉ phát hiện được khi siêu âm doppler mạch máu hay gián tiếp qua hình ảnh tim thai bất thường trên máy đo moniter
  • Để phòng ngừa nguy hiểm của dây rốn quấn cổ:
    • Sản phụ cần đi khám thai đều, gắn máy đo tim thai.
    • Theo dõi thai máy kỹ nếu thai máy ít, hỗn loạn, không giống bình thường thì phải đi khám ngay để can thiệp kịp thời.

DÂY RỐN THẮT NÚT (Umbilical cord knot)

Gồm 2 loại: dây rốn thắt nút thật và dây rốn thắt nút giả.

Chỉ phát hiện được qua siêu âm.

Dây rốn thắt nút thật (True knot):

 

  • Xảy ra < 1% thai kỳ và thường không kèm các bất thường khác
  • Nút thắt nếu lỏng lẻo thường không có ý nghĩa lâm sàng
  • Nút thắt chặt hoặc nhiều nút thắt, nút thắt kết hợp với xoắn dây rốn làm tăng nguy cơ đột tử của thai (intrauterine demise), đặc biệt trong lúc chuyển dạ, sự đi xuống của thai làm dòng máu qua dây rốn bị ngừng. Trong một tổng quan hệ thống, nguy cơ đột tử của thai gấp 4 lần so với thai kỳ không kèm dây rốn thắt nút
  • Nguyên nhân: thai chuyển động trong buồng tử cung, đặc biệt trong tam cá nguyệt 2 và dây rốn dài
  • Trong tam cá nguyệt 3, thai phụ có thể được đo moniter thường xuyên hơn, siêu âm, đặc biệt là siêu âm Doppler và trắc đồ sinh vật lý (biophysical profile  - BPP) bao gồm đánh giá sự tăng trưởng và chỉ số ối
  • Thai phụ cần đến cử động thai định kỳ. Nếu thai máy ít, hốn loạn cần đi khám ngay lập tức để được chẩn đoán, xử trí kịp thời các bất thường có thể xảy ra.

Dây rốn thắt nút giả (false knot): là sự phình ra ở một số đoạn của mạch máu dây rốn

 

  • Tình trạng này thường không đi kèm với kết cục bất lợi cho thai nhi
  • Sản phụ cần theo dõi cử động thai đều đặn và khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ.

Phòng khám Sản phụ khoa – Hiếm muộn Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Phương – Thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến Sản Phụ khoa – Hiếm muộn

Phòng khám Sản phụ khoa – Hiếm muộn Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Phương chuyên thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến Sản, Phụ Khoa và Hiếm muộn. Bác sĩ Phương là người thành lập phòng khám, có gần 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, đã liên kết cùng các bác sĩ giỏi và hợp tác với các bệnh viện lớn để tạo thành đội ngũ có chuyên môn cao, góp phần xây nên sự uy tín và chất lượng của phòng khám chúng tôi.

Chia sẻ: