Những cách khám thai trong suốt thai kỳ mẹ nên biết

Những cách khám thai trong suốt thai kỳ mẹ nên biết

Những cách khám thai trong suốt thai kỳ mẹ nên biết

Ngày đăng: 10:29 AM, 27/02/2023
Những cách khám thai trong suốt thai kỳ mẹ nên biết

Trong thai kỳ 9 tháng 10 ngày, thai phụ nào cũng cần thường xuyên đi khám thai để kiểm soát sức khỏe của mẹ và bé. Mỗi thời kỳ khác nhau sẽ có cách khám thai khác nhau.

 

1.Giai đoạn đầu mang thai

Giai đoạn này bắt đầu khi mẹ chậm kinh và thử que lên hai vạch rõ ràng. Lúc này tuổi thai đã khoảng từ 4-5 tuần tuổi. Kết thúc giai đoạn này sẽ vào khoảng tuần thai thứ 10. Đây là giai đoạn em bé mới làm tổ, thai nhi bám vào tử cung chưa chặt và còn rất yếu ớt. Cách khám thai giai đoạn này cũng khác với những giai đoạn sau.

 

1.1 Cách khám thai khi mới chậm kinh

Sau khi thử thai tại nhà lên 2 vạch, phần lớn thai phụ bắt đầu có những dấu hiệu của việc mang thai như buồn nôn, đau lâm râm bụng…Lúc này là thời điểm bạn nên đi khám thai lần đầu tiên.

Cách khám thai lúc này gồm có những công việc sau:

– Khám tổng quát cơ thể: Đo chiều cao, cân nặng, khám da, niêm mạc; đánh giá phù, thiếu máu, đo huyết áp, khám tim phổi và khám chuyên khoa khác khi có dấu hiệu bất thường

– Siêu âm đầu dò âm đạo để phát hiện thai đã vào tử cung hay chưa. Nếu thai chưa vào tử cung cần làm thêm một xét nghiệm khác.

– Xét nghiệm máu để đo nồng độ beta hcg xác định có thai và theo dõi thai ngoài tử cung.

 

1.2 Cách khám thai để xác định tim thai

Sau khi thai nhi đã làm tổ an toàn trong tử cung, nhau thai bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển. Lúc này kích thước cũng như tốc độ phát triển của khối thai vô cùng nhanh.

Thời điểm quan trọng tiếp theo mà mẹ cần phải đi khám đi khám là khoảng thời gian từ 7-8 tuần để xác định tim thai.

Trong thời điểm này, cách khám thai là thực hiện các công việc sau:

– Khám tổng quát sức khỏe cho mẹ: Đo cân nặng, chiều cao, huyết áp…

– Siêu âm để đo tim thai. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng nhất trong thời điểm này. Dựa vào hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể đánh giá được nhịp tim.

 

Ở giai đoạn này, việc đánh giá tim thai là quan trọng nhất. Tùy cơ địa và khả năng phát triển của thai nhi mà thời điểm nào sẽ đo được tim thai lần đầu tiên.

 

2. Giai đoạn giữa mang thai: Phát hiện những bất thường của thai nhi

Sau khi kiểm tra thai nhi có tim thai, mẹ và bé sẽ bước sang giai đoạn tiếp theo của thai kỳ. Các cách khám thai trong giai đoạn này sẽ giúp phát hiện những bất thường của em bé. Lúc này, khi đi khám mẹ sẽ được chỉ định làm những việc sau:

 

– Kiểm tra cân nặng của mẹ, theo dõi từng tháng.

– Xét nghiệm nước tiểu, theo dõi chỉ số huyết áp.

– Siêu âm hình thái thai nhi, có thể siêu âm 3D, 4D, 5D

– Làm xét nghiệm Double Test, Triple Test hoặc NIPT, tầm soát tiền sản giật

– Các xét nghiệm máu cần thiết

– Đo chiều dài kênh cổ tử cung qua siêu âm

– Kiểm tra tiểu đường thai kỳ. Các mẹ sẽ được test dung nạp đường từ tuần thai 24 đến tuần thai 28. Đây là xét nghiệm rất cần thiết không nên bỏ qua. Có nhiều mẹ không bị tiểu đường trước khi mang thai nhưng lại gặp vấn đề tiểu đường thai kỳ. Đa số, bệnh lý này sẽ biến mất sau khi sinh nở, nhưng cũng có trường hợp chuyển thành đái tháo đường type 2.

 

Các bất thường, dị tật của thai nhi hoặc nhiều vấn đề trong sức khỏe của mẹ cũng sẽ được phát hiện ở giai đoạn này thông qua các xét nghiệm máu cần thiết. Khi bắt đầu bước sang giai đoạn này, mẹ bầu sẽ được bác sĩ kê một số loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng hoặc thuốc điều trị dựa trên kết quả xét nghiệm trước đó.

Lưu ý: thai phụ không nên tự ý bổ sung các loại thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.

 

3. Giai đoạn cuối mang thai

Giai đoạn cuối thai kỳ từ tuần 29 đến tuần thai thứ 40. Mẹ bầu có thể khám thai từ 1-2 tuần/lần tùy tình hình sức khỏe thai nghén của mẹ. Thời gian chuyển dạ thường bắt đầu sau tuần thai thứ 38. Các mẹ bầu được khuyến cáo nên đi khám thai hàng tuần trong giai đoạn này.

 

Lúc này, mẹ sẽ được thực hiện những việc sau:

– Kiểm tra sức khỏe tổng quát: đo cân nặng, huyết áp…

– Siêu âm thai nhi và kiểm tra nhịp tim của thai

– Làm các xét nghiệm: Tổng phân tích nước tiểu (bằng máy tự động), xét nghiệm và kiểm soát liên cầu khuẩn nhóm B (thai từ 35- 37 tuần)

– Khám khung chậu xem tương xứng thai không

– Những tuần cuối khi có dấu hiệu sinh hoặc đã quá ngày dự sinh, thai phụ được đo độ mở tử cung bằng tay (hay còn gọi là khám trong) để đánh giá khả năng chuyển dạ.

– Theo dõi tim thai và các cơn gò tử cung bằng máy monitor.

 

Ở những tháng thai cuối cùng, việc thăm khám phải được thực hiện thường xuyên để có thể phát hiện ra các bệnh lý như:

 

– Bệnh tiền sản giật (huyết áp cao trong thai kỳ). Trong quá trình mang thai, nếu mẹ có những triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, đau thượng vị và hạ sườn, tăng cân nhanh và phù người, hãy nghĩ ngay đến bệnh này.

– Thai nhi chậm tăng trưởng. Bác sĩ sẽ đo khả năng tuần hoàn của nhau thai qua siêu âm Doppler để biết liệu bé có nhận đủ lượng máu cần thiết không. Qua siêu âm bác sĩ cũng chẩn đoán được liệu các thông số như chiều dài, cân nặng, chiều dài xương đùi có tăng trưởng không để đánh giá mức độ phát triển của thai nhi.

 

Chia sẻ: