Phòng khám sản phụ khoa Quận 7_BS. Phương

Phòng khám sản phụ khoa Quận 7_BS. Phương

Phòng khám sản phụ khoa Quận 7_BS. Phương

Ngày đăng: 12:54 AM, 24/01/2021
Nỗi lo chảy máu tử cung: Chảy máu vùng kín bất thường

Chảy máu vùng kín bất thường hay chảy máu tử cung bất thường (Abnormal Uterine Bleeding – AUB) là một triệu chứng rất hay gặp ở phụ nữ. Điều này không chỉ gây phiền toái mà còn gây nên sự lo lắng cho bệnh nhân bởi hầu hết triệu chứng này đều là dấu hiệu của một tình trạng bất thường nào đó. Vì vậy các chị em phụ nữ khi phát hiện chảy máu vùng kín bất thường, tức là ngoài chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng hoặc chu kỳ kinh nguyệt không giống những lần trước, hãy đi khám để được phát hiện sớm, tư vấn và điều trị kịp thời. Đọc bài viết sau đây để biết thêm thông tin khi chảy máu vùng kín bất thường hay nỗi lo chảy máu tử cung.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

  1. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là gì?
  2. Khi nào được gọi là chảy máu tử cung bất thường?
  3. Chảy máu tử cung bất thường hay gặp ở độ tuổi nào?
  4. Các nguyên nhân gây chảy máu bất thường?
  5. Chảy máu tử cung bất thường được chẩn đoán như thế nào?
  6. Các xét nghiệm nào cần được làm để chẩn đoán chảy máu tử cung bất thường?
  7. Các loại thuốc nào cần dùng để kiểm soát chảy máu tử cung bất thường?
  8. Khi nào cần phải phẫu thuật?

Nỗi lo chảy máu tử cung: Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là gì?

Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt (nghĩa là khoảng cách giữa 2 lần bắt đầu có kinh của 2 tháng liên tiếp) thường từ 24 đến dưới 39 ngày, thời gian hành kinh: <=8 ngày, sự đều đặn (nghĩa là sự thay đổi về độ dài giữa 2 chu kỳ kinh): 18-25 tuổi và 42-45 tuổi là <=9 ngày, 26-41 tuổi là <=7 ngày.

Khi nào được gọi là chảy máu tử cung bất thường?

Chảy máu tử cung được gọi là bất thường khi có bất kỳ triệu chứng sau:

  • Chảy máu hoặc phát hiện có lốm đốm máu khi chưa đến kỳ kinh.
  • Chảy máu hoặc ra máu sau quan hệ.
  • Chảy máu nhiểu trong giai đoạn hành kinh, >80ml.
  • Độ dài chu kỳ kinh nguyệt kéo dài >38 ngày hoặc <24 ngày.
  • Thời gian hành kinh không đều đặn, xảy ra trong thời gian dài, kéo dài hơn 7-9 ngày.
  • Chảy máu trong thời kỳ mãn kinh.

Điều trị chảy máu tử cung bất thường:: có 2 loại chảy máu tử cung bất thường (AUB)

  • AUB cấp tính: chảy máu ở phụ nữ độ tuổi sinh sản, không có thai, mức độ nặng, cần can thiệp nhanh để hạn chế mất máu.
  • AUB mãn tính: chảy máu trong lòng tử cung trong 6 tháng gần nhất với sự bất thường về số lượng, thời gian ra máu, tần suất và mất tính chu kỳ kinh.

Nỗi lo chảy máu tử cung: Chảy máu tử cung bất thường hay gặp ở độ tuổi nào?

AUB Chảy máu tử cung bất thường có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào gây nỗi lo chảy máu tử cung. Tuy nhiên, vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời của người phụ nữ, kinh nguyệt thường hơi không đều. Kinh nguyệt có thể không xảy ra thường xuyên khi một cô gái bắt đầu có kinh (khoảng 9-14 tuổi). Trong thời kỳ tiền mãn kinh (bắt đầu từ giữa những năm 40 tuổi), số ngày giữa các kỳ kinh có thể thay đổi. Việc mất kinh, ra máu ít hay nhiều hơn bình thường trong thời kỳ tiền mãn kinh cũng là điều hay gặp.

Các nguyên nhân gây chảy máu bất thường?

Trường hợp không có thai:

Có 2 nhóm nguyên nhân chính: thực thể (nghĩa là có cấu trúc bất thường gây tình trạng chảy máu tử cung bất thường) và không thuộc về thực thể (nghĩa là ngược lại) theo phân loại PALM-COEIN, FIGO (Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế) 2018

  1. Về thực thể:
  1. Polyp tử cung
  2. Lạc nội mạc trong cơ tử cung – Adenomyosis
  3. U xơ tử cung (thường là U xơ tử cung type 0,1, một số trường hợp gặp trong u xơ tử cung type 2)
  4. Bệnh lý ác tính và tăng sinh nội mạc tử cung
  1. Không thuộc thực thể:
  1. Bệnh lý gây rối loạn đông cầm máu (thường có tính di truyền)
  2. Quá trình phóng noãn gặp vấn đề
  3. Rối loạn chức năng cầm máu nội mạc tử cung
  4. Do thuốc
  5. Chưa phân loại

Trường hợp có thai:

  1. Động thai
  2. Sẩy thai
  3. Thai ngoài tử cung
  4. Sinh lý: thai đang làm tổ trong tử cung

 

Khi phát hiện dấu hiệu chảy máu tử cung bất thường như đã mô tả ở trên, chị em phụ nữ nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ khám và cho chỉ định xét nghiệm phù hợp tùy vào những nguyên nhân có thể nhất trong độ tuổi của bạn. Một số tình trạng có thể không nghiêm trọng và dễ dàng điều trị. Một số khác có thể nghiêm trọng. Vì vậy, dấu hiệu này luôn cần được khám, đánh giá và xử trí ngay.

Chảy máu tử cung bất thường được chẩn đoán như thế nào?

 

Bác sĩ sản phụ khoa có thể hỏi bạn về tiền sử bệnh và đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt trước đây của bạn. Bạn hãy duy trì thói quen theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của minh, điều này đặc biệt hữu ích cho bác sĩ khám bệnh khi bạn có tình trạng chảy máu tử cung bất thường ở chu kỳ kinh này. Hãy ghi lại ngày tháng hành kinh, độ dài thời gian hành kinh, mức độ ra máu (lấm tấm, nhẹ, trung bình, nặng, tốt nhất nên ước tính qua số lượng, loại băng vệ sinh sử dụng trong ngày). Bạn cũng có thể sử dụng một ứng dụng điện thoại thông minh được thiết kế để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm máu để xem mức độ mất máu, nguyên nhân chảy máu khó cầm, từ đó loại trừ một số bệnh lý gây rối loạn đông cầm máu; xét nghiệm hóc-môn (bởi hóc-môn quyết định tình trạng của chu kỳ kinh hàng tháng của bạn đấy). Xét nghiệm để loại trừ tình trạng mang thai, đặc biệt chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là rất quan trọng; xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).

Các xét nghiệm nào cần được làm để chẩn đoán chảy máu tử cung bất thường?

Dựa vào triệu chứng bệnh và độ tuổi của bạn, bác sĩ có thể cần xét nghiệm thêm một số xét nghiệm khác:

  • Siêu âm: sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan vùng chậu
  • Nội soi tử cung: thủ thuật đưa một đèn chiếu vào âm đạo, qua khỏi cổ tử cung và giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong tử cung
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: thủ thuật lấy một mẫu nội mạc tử cung ra và quan sát dưới kính hiển vi
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): tạo ra hình ảnh giải phẫu của hệ cơ quan nhờ sử dụng từ trường và sóng radio
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): sử dụng tia X để tạo nên hình ảnh cắt ngang của các cơ quan và cấu trúc bên trong

Các loại thuốc nào cần dùng để kiểm soát chảy máu tử cung bất thường?

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị kinh nguyệt không đều hoặc ra máu nhiều. Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc nội tiết, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt: miếng dán da, vòng âm đạo có chứa hóc-môn. Những thuốc này làm giảm lượng máu kinh, chúng cũng giúp kinh nguyệt đều đặn hơn.
  • Thuốc đồng vận thụ thể GnRH: làm giảm lượng máu kinh, kích thước khối u xơ tử cung (nếu có)
  • Tranexamic acid: dùng để điều trị chảy máu nặng
  • Thuốc kháng viêm non steroid (NSAIDs): kiểm soát tình trạng chảy máu nặng, đau bụng kinh
  • Kháng sinh: sử dụng khi nghi ngờ có tính trạng nhiễm trùng
  • Một số thuốc khác: thuốc giúp tăng cường khả năng đông cầm máu

Khi nào cần phải phẫu thuật?

Nếu thuốc không kiểm soát tình trạng chảy máu, phẫu thuật có thể cần thiết. Có sự khác nhau giữa một số loại phẫu thuật dựa vào tình trạng bệnh của bạn, tuổi của bạn, nhu cầu có con của bạn.

  • Hút hoặc nạo buồng tử cung: giúp chấm dứt tình trạng chảy máu hoặc giảm đi đáng kể
  • Phá hủy lớp nội mạc tử cung: làm giảm hoặc làm ngưng tổng lượng máu mất. Bạn sẽ không có khả năng mang thai sau khi cắt bỏ. Nếu nó xảy ra, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, bao gồm chảy máu đe dọa tính mạng, sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu bạn thực hiên thủ thuật này, bạn sẽ cần phải sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi mãn kinh.
  • Thuyên tắc động mạch tử cung: là một thủ thuật được sử dụng để điều trị u xơ tử cung. Thủ thuật này chặn các mạch máu đến tử cung, do đó làm mất nguồn máu nuôi dưỡng cho u xơ tử cung phát triển. Một phương pháp điều trị khác là bóc u xơ cơ tử cung.
  • Phẫu thuật cắt tử cung: được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Cắt tử cung cũng được sử dụng trong điều trị ung thư nội mạc tử cung. Sau khi cắt tử cung, người phụ nữ không thể mang thai được nữa, sẽ không còn kinh nguyệt.

KẾT LUẬN

Chảy máu tử cung bất thường là xuất huyết nặng nhẹ hoặc xuất huyết bất thường từ tử cung (qua âm đạo). Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong chu kỳ hàng tháng kể cả trong kỳ kinh nguyệt bình thường của bạn. Nếu bạn gặp phải tình trạng xuất huyết tử cung bất thường, hãy đi khám để được tư vấn, xét nghiệm một cách chuyên sâu nhất, mục đích để bạn có một sức khỏe lành mạnh và lâu dài.

 

Phòng khám Sản phụ khoa – Hiếm muộn Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Phương – Thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến Sản Phụ khoa – Hiếm muộn

Phòng khám Sản phụ khoa – Hiếm muộn Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh Phương chuyên thăm khám và điều trị các bệnh liên quan đến Sản, Phụ Khoa và Hiếm muộn. Bác sĩ Phương là người thành lập phòng khám, có gần 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, đã liên kết cùng các bác sĩ giỏi và hợp tác với các bệnh viện lớn để tạo thành đội ngũ có chuyên môn cao, góp phần xây nên sự uy tín và chất lượng của phòng khám chúng tôi.

Chia sẻ: